Công thức tạo một cái nghề: Dấn thân + Thực chiến + Đào tạo + Hỗ trợ + Khích lệ + Cam kết

Hoan, nhỏ hơn tôi đúng một con giáp, nên cho phép trong bài viết, tôi xưng tên cho thân mật và dễ chia sẻ câu chuyện mà tôi biết về Hoan.

Hoan, cũng chính là người khơi gợi và thúc đẩy tôi viết các câu chuyện về các CEO, bởi khi chuyện trò cùng Hoan, bạn ấy toát lên một năng lượng tích cực, những câu chuyện bạn chia sẻ, bản thân tôi cũng không kịp hình dung: đứng trước mắt mình là một Kỹ sư Thủy sản, bỏ áo cổ cồn trắng, lấn sân vào nhóm áo cổ cồn xanh, để tìm ra một công thức tạo một cái nghề cho riêng mình. Công thức chia sẻ, hỗ trợ, tạo cộng đồng làm việc, giúp đỡ cho anh em vùng quê mình.

Câu chuyện của Hoan thúc đẩy tôi muốn chia sẻ những giai đoạn thầm lặng phía sau hành trình chinh phục khát vọng của các CEO cho cộng đồng để lan tỏa năng lượng tích cực.

Nguyễn Văn Hoan – Người con của Biển

Hoan sinh ra và lớn lên ở thôn Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, Nghi Lộc, Nghệ An. Thôn này nằm khuất trong các dãy núi Chuồng Gà, núi Mâng, Mũi Cò. Ngày trước, muốn vào thôn chỉ có một con đường độc đạo men theo một bên là núi, một bên là biển. Bởi vậy, nghề biển được xem là nghể cha truyền con nối, nơi “em (Hoan) và chỉ một số người rất ít ỏi của miền biển xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết được cấp sách đến trường”

Không những vậy, Hoan còn là Kỹ sư Nuôi Trồng Thủy sản (NT 46. Niên khóa 2005 – 2009) trường Đại học Thủy Sản Nha Trang, nên cái nhóm được đi học và được học đại học ở làng quê ấy càng ít đi. Bà con hay gọi là “hàng hiếm”.

Thoắt cái, đã 20 năm, Hoan gắn bó với vùng biển Khánh hòa.

Trăn trở thoát nghèo

Bằng một giọng miền trung đặc sệt, Hoan chia sẻ, một phần em sinh ra từ vùng biển, hiểu được cảnh vất vả của người dân biển, đầu sóng ngọn gió, nghề bọt nước sóng và bão tố. Ở đây, vì nghề biển là nghề cha truyền con nối, nên những đứa trẻ ít được đến trường mà phải nghỉ học để theo cha đi đánh lưới kiếm kế sinh nhai. Khi lớn lên, biển nhạt dần, nên thanh niên trai tráng trong vùng đua nhau đi hợp tác lao động ở nước ngoài để kiếm thu nhập nuôi sống gia đình.

Trăn trở ra biển tìm nghề cho chính mình và anh em

Vợ chồng Hoan quen nhau từ lúc sinh viên, ra trường cưới nhau, làm đủ thứ nghề ở Khánh hòa … chắc duyên biển, nên vợ chồng cùng nhau chọn Cam Ranh làm nơi lập nghiệp, và công ty TNHH Hoan Trang Linh ra đời từ năm 2010.

Công ty TNHH Hoan Trang Linh – Cam Ranh – Khánh Hòa.

Hoan Trang Linh là tên các thành viên của gia đình nhỏ của Hoan lúc bấy giờ (bà xã tên Trang và con gái đầu lòng là Linh)

Gia đình nhỏ hiện nay của Hoan

Với kiến thức học được, cộng thêm bản chất người miền trung, người con của Biển, Hoan tự một mình ra biển làm bè nuôi cá, nuôi nhuyễn thể

Nếu bạn ra khu vực Bình Ba, hỏi nhà Hoan, nhiều người sẽ chỉ bạn đến tận nhà, vì Hoan lúc này không chỉ là ông trùm về làm cá giống, nhuyễn thể, mà con là người cung cấp cá giống, thức ăn nuôi cá, hướng dẫn cách nuôi, và cả bao tiêu sản phẩm cho người dân nuôi cá biển.

Tìm một cái nghề cho anh em

Việt Nam trù phú tài nguyên biển, cả nước tổng cộng có đến 52 vùng biển và vùng nước ngọt cho nuôi trồng thủy sản. Chỉ riêng chiều dài biển, dọc Việt nam có đến 3.260 km đường biển, chính vì vậy Ngư nghiệp đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt nam
Kinh tế.

Hoan cũng vậy, ra biển tìm nghề. Ban đầu, nuôi gần bờ, sau đó với sự nhanh nhạy, Hoan một mình ra xa bờ thả lồng nuôi cá.

Cụm ô lồng nuôi cá biển truyền thống

Khó khăn, trở ngại không thể diễn tả, có nhiều năm , tưởng bội thu… thiên tai…lại mất trắng. Dân nuôi ngoài biển phải tự làm tất cả các công việc, từ sửa máy, lái tàu, nấu ăn, và hàng tá việc của công cuộc nuôi.

Trao đổi cùng anh em lúc sáng sớm trên tàu
Bữa cơm tự nấu, cũng để đãi khách trên bè
Bữa cơm tự nấu, cũng để đãi khách trên bè

Hoan tự mình học hỏi và tìm, rồi sản xuất cá giống, nhuyễn thể cho phù hợp với địa hình Bình Ba, Cam Ranh, Khánh hòa.

Tôi hay gọi Hoan là anh nông dân biển. Nụ cười rạng rỡ khi thăm bè cá

Hành trình truyền nghề, dạy nghề của Hoan cũng rất độc đáo

Ban đầu, cần nhân công làm việc, Hoan gọi em ruột mình từ quê vào phụ, rồi vợ chồng chị ruột., rồi anh em chòm xóm Hải Thịnh.

Trong thời gian làm chung, Hoan hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, cách chọn giống, nuôi, cho ăn, tắm cá, chăm sóc…

Hướng dẫn anh em làm nghề

Sau đó, Hoan sẽ chia lại phần ô lồng của mình cho anh em, tự mình đi ra một đoạn biển khác lại lên ô lồng….cứ thế cứ thế, mỗi lần tạo cụm ô lồng mới, Hoan đều tìm người làm cùng mình, hướng dẫn, sau khi anh em đã lành nghề, Hoan lại chuyển giao nếu anh em muốn tự lập và “có của”

Thăm bè cá

Nhiều năm sống trên biển, Hoan về đất liền, nhưng người con của biển vẫn bám biển, chỉ khác vai trò.
Hoan cung cấp cá tươi làm thức ăn, làm tổng đại lý thức ăn cá của môt công ty Đa Quốc Gia, rồi cung cấp cho anh em nông dân biển, sau đó, lại bao tiêu sản phẩm của nông dân.

Cùng anh em đại lý của De Heus

Nông dân biển, lắm lúc sẽ không có tiền, họ sẽ ứng trước giống, thức ăn… Sau đó bán được sẽ trả lại tiền cho nơi cung cấp. Vậy nên, Hoan lại làm tổng tài cho anh em nông dân biển Bình Ba

Thấy cái sớ công nợ dài thiệt dài của Hoan mới thấy những lo toan của bạn ấy cho anh em làm nghề không hề nhỏ và chẳng có gì đảm bảo, thế nhưng Hoan vẫn một câu nói “cuối cùng thì anh em cũng có cái nghề, không phải đi xuất khẩu lao động mà vẫn lo được cho gia đình”.

Những việc Hoan làm, như tích tiểu thành đại, anh em dần dần vào từng người một, đến nay cũng được 22 hộ Gia đình cùng quê, cộng với bạn bè Đại học làm giống nhuyễn thể, giống cá ở Cam Ranh cũng hơn 50-70 người, tính ra cộng đồng Hoan tạo lập đã hơn 200 người.

Tiệc tất niên anh em bè cá năm 2023

Vẫn phải là người đi đầu – Cập nhật công nghệ mới cho nghề nuôi trồng thủy sản cho khu vực.

Nghề nuôi biển đã khá lâu đời đối với người dân vùng biển của Việt Nam, tuy nhiên, hệ thống lồng bè truyền thống dễ bị đánh tan, cuốn trôi khi mưa bão, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân.
Những năm gần đây, mô hình lồng bè bằng nhựa HDPE đang trở thành xu hướng mới, dần thay thế lồng bề truyền thống.

Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2021 của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo đó, sẽ từng bước chuyển đổi ô lồng truyền thống bằng gỗ, tre, nứa thành ô lồng vật liệu HDPE.

Cụm ô lồng nuôi biển bằng vật liệu truyền thống (gỗ)

Lồng bè nhựa HDPE là mô hình áp dụng trong nuôi trồng thủy sản được làm từ vật liệu nhựa HDPE với các hạt nhựa cao phân tử polyethylene có độ bền cao, chống thấm tốt, chống được tia UV và thân thiện môi trường.
Lợi ích là thế, chất lượng thì khỏi phải bàn, nhưng để thuyết phục bà con làm nghề từ nhiều năm nay, đổi qua một chất liệu mới, chưa từng có ở Việt nam, rồi giá thành thì cũng chưa từng có trước đây là việc không dễ dàng.

Tháng 01 năm 2023, Hoan lại là người đầu tiên ở khu vực Bình Ba, Cam Ranh triển khai cụm ô lồng HDPE nuôi trồng thủy sản trên biển, mặc dù cũng vài năm rồi Hoan không còn nuôi trên biển nữa, chỉ đặt hàng và cho anh em làm.

Cụm ô lồng nuôi biển hiện đại bằng chất liệu HDPE

Hoan tâm sự “anh em, bà con, họ phải thấy mình làm, được nhìn, được sờ, họ mới tin. Có vậy mới có thể chuyển đổi từ từ được

Điều tâm đắc nhất của Hoan “mong muốn anh em xa quê tìm được vùng đất mới phát triển lâu dài, con cháu được đến trường tốt nhất và đặc biệt anh em phải đoàn kết tình quê hương”

Nếu được chọn nơi sinh ra, chắc chẳng ai chọn vùng khô cằn sỏi đá, hay chọn nghề nặng nhọc. Nếu đã sống thì nên sống một đời ý nghĩa. Mind học cách Hoan làm, dần dần từng bước một để lan tỏa một cộng đồng hữu ích không chỉ cho chính mình, mà còn cho con cháu nhiều đời sau.

Bình minh trên bán đảo Cam ranh

Bài viết về: ANH NGUYỄN VĂN HOAN – CEO CTY TNHH HOAN TRANG LINH – CAM RANH – KHÁNH HÒA.

  • 03/01/2025
  • 03/01/2025
  • 10/12/2024
  • 08/11/2024
  • 07/11/2024
  • 26/08/2024
  • 11/08/2024
  • 09/08/2024
  • 02/08/2024
  • 25/07/2024
  • 25/07/2024
  • 21/07/2024
Hotline: 0983.999.702 (Ms Mandy)Zalo Page: Mindconnector VN