Doanh nghiệp trẻ không gãy vì đói – vì thiếu vốn, thiếu khách hay thiếu sản phẩm chỉ là biểu hiện bề ngoài. Nhiều doanh nghiệp gãy ở từ giữa năm thứ 2, thậm chì có Doanh nghiệp gãy năm thứ 5, năm thứ 7 của hành trình không phải vì thị trường quá khắc nghiệt, mà vì chính họ đã mất la bàn.
Họ từng chạy nhanh, từng dẫn đầu, nhưng khi thế giới xoay chuyển, họ không điều chỉnh hướng đi. Tự tin vào chiến thắng cũ, trung thành với chiến lược cũ, lối mòn tư duy mới là thứ âm thầm bào mòn sức bật. Gãy không phải vì thiếu – mà vì lạc. Và một khi mất la bàn, mọi nỗ lực tăng tốc đều có thể… sai hướng.
Tôi đã từng được nghe câu chuyện thất bại của một chủ chuỗi quán ăn nổi tiếng ởTp. HCM, – một chuỗi nhà hàng khởi nghiệp – họ làm đồ ăn ngon, giá tốt, team siêng năng.
Nhưng sau 38 tháng, họ phải đóng cửa. Không phải vì hết tiền. Mà vì họ đi sai hướng ngay từ đầu và không ai chịu nhìn lại bản đồ.
Câu chuyện này không hiếm.

Dưới đây là 6 “cú trượt” chiến lược thường gặp của các doanh nghiệp dưới 5 năm tuổi và cách sống sót nếu bạn đang trên đà lặp lại.
1. Chọn ngành theo cảm tính, không nghiên cứu thị trường
Nhiều người chọn kinh doanh vì thấy “thằng kia làm lời”, “cái này đang hot”, hoặc đơn giản là “tui thích”.
Rồi lao vào sản phẩm, đổ tiền làm web, chạy quảng cáo…
Nhưng KHÔNG dành nổi 1 tuần để khảo sát 50 người tiêu dùng thật.
Sai: Không hiểu khách hàng thật sự cần gì, nên bán mà không ai mua.
Sửa: Làm bài test thị trường nhỏ – bán cái mẫu, hỏi thật kỹ, phỏng vấn đau đớn.
Không có insight – không có chiến lược.

2. Không có định vị rõ ràng – nói gì cũng mơ hồ
Nhiều doanh nghiệp trẻ mô tả sản phẩm của mình thế này:
- “Chúng tôi đem lại giá trị toàn diện.”
- “Chất lượng cao – giá phải chăng.”
- “Sáng tạo, khác biệt, lấy con người làm trung tâm.”
Nghe hay, nhưng KHÔNG ai hiểu. Và khách hàng không mua cái họ không hiểu.
Sai: Định vị mơ hồ → không ai nhớ bạn là ai.
Sửa: Định vị bằng một câu duy nhất, đơn giản, có thể nói ra trong thang máy.
Ví dụ: “Cà phê sạch dành cho dân văn phòng bận rộn.”
Ngắn, rõ, đánh trúng người.

3. Tập trung 90% công sức cho sản phẩm – nhưng 0% cho kênh bán hàng
Một lỗi kinh điển: dồn 1 năm cho thiết kế, nguyên liệu, đóng gói – rồi mới nghĩ “Giờ bán sao ta?”
Lúc này đã trễ. Thị trường không đợi bạn “chỉnh xong rồi mới ra”.
Sai: Bán hàng là chuyện sau cùng.
Sửa: Làm sản phẩm đến 80% là đủ, rồi TEST thị trường ngay.
Vì 20% còn lại bạn sẽ không bao giờ biết nếu không có người mua thật.

4. Đốt tiền không kiểm soát – không đo, không đếm
Chạy quảng cáo kiểu: “Cứ test đi, rồi tính tiếp.”
Làm event kiểu: “Đầu tư lần này cho oách đã.”
Hậu quả: lỗ mà không biết tại sao.
Đội ngũ tài chính không có, founder vừa là CEO vừa là kế toán… thất thoát âm thầm.
Sai: Chi tiền theo cảm tính, không kiểm soát ROI.
Sửa: Bất cứ gì cũng phải đo. Chi 1 đồng → ra bao nhiêu khách → giữ được mấy người?

5. Không chịu pivot – cứng đầu vì sĩ diện
Sản phẩm làm 6 tháng, nhưng không bán được.
Team biết phải thay đổi – nhưng người sáng lập lại nói: “Cứ kiên trì thêm chút nữa”.
Cuối cùng: mất cả team, mất cả cơ hội điều chỉnh.
Sai: Cố chấp với sản phẩm cũ – dù thị trường đang từ chối.
Sửa: Pivot không phải là thất bại, mà là sinh tồn.
Những doanh nghiệp lớn hôm nay đều từng quay đầu đúng lúc.
6. Không nghĩ lớn, không xây hệ thống – cứ mãi là “người làm thuê cho chính mình”
Rất nhiều doanh nghiệp trẻ bị kẹt vào cái vòng:
- Hôm nay bán được 30 đơn
- Mai nhập hàng, giao hàng
- Mốt lo nhân viên nghỉ
→ Không có thời gian xây hệ thống – mãi là người chữa cháy.
Sai: Làm để duy trì – không làm để mở rộng.
Sửa: Ngay từ năm 1, hãy tự hỏi:
Nếu tôi nhân 10 lần khách hàng, hệ thống này có sập không?
Hãy xây để phát triển, không chỉ để sống qua ngày.

Chiến lược không phải là kế hoạch dài 50 trang
Mà là chuỗi các lựa chọn đúng – được thực hiện vào đúng thời điểm.
Muốn sống sót qua 5 năm đầu:
- Phải biết mình bán gì – cho ai – tại sao họ cần – và bán bằng kênh nào.
- Phải điều chỉnh nhanh – không sĩ diện.
- Phải đo đếm hiệu quả mỗi đồng bỏ ra.
- Phải xây team – chứ không dính mãi vào vai người lính.
Doanh nghiệp không chết vì “sai một ly” mà vì cứ bước tiếp mà không nhìn lại la bàn.
